Luật Lưu trữ được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 2 ngày 11 tháng 11 năm 2011 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2012. Luật quy định về hoạt động lưu trữ; quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức trong hoạt động lưu trữ; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ lưu trữ; hoạt động dịch vụ lưu trữ và quản lý về lưu trữ.
Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu Luật Lưu trữ và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lưu trữ, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức biên soạn cuốn sách “Hỏi-đáp Luật Lưu trữ”. Hy vọng, cuốn sách “Hỏi-đáp Luật Lưu trữ” sẽ giúp cho cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp làm công tác lưu trữ cũng như tham gia nghiên cứu, giảng dạy về lưu trữ trong cả nước hiểu rõ hơn những quy định của Luật Lưu trữ.
Phần I: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Câu 1. Ngày 11 tháng 11 năm 2011, tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá XIII đã thông qua Luật Lưu trữ. Xin cho biết, Luật này điều chỉnh những vấn đề gì ?
Trả lời:
Tại Khoản 1 Điều 1 Luật Lưu trữ có quy định phạm vi điều chỉnh là về hoạt động lưu trữ (hoạt động thu thập, chỉnh lý, xác định giá trị, bảo quản, thống kê, sử dụng tài liệu lưu trữ); quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động lưu trữ; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ lưu trữ; hoạt động dịch vụ lưu trữ hồ sơ và quản lý về lưu trữ.
Câu 2. Doanh nghiệp tư nhân, Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có thuộc đối tượng áp dụng của Luật Lưu trữ hay không ?
Trả lời:
Tại Khoản 2 Điều 1 Luật Lưu trữ có quy định đối tượng chịu sự áp dụng của Luật Lưu trữ là các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị- xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) và cá nhân.
Như vậy, Doanh nghiệp tư nhân, Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam là tổ chức kinh tế nên thuộc đối tượng chịu sự áp dụng của Luật Lưu trữ.
Câu 3. “Hoạt động lưu trữ” và “Công tác lưu trữ” có gì giống và khác nhau và tại sao trong Luật không sử dụng khái niệm “Công tác lưu trữ” mà sử dụng khái niệm “Hoạt động lưu trữ”?
Trả lời:
“Công tác lưu trữ” là khái niệm được giải thích trong nhiều giáo trình giảng dạy chuyên ngành lưu trữ ở các bậc trung cấp, cao đẳng và đại học. Cụ thể như: tại Giáo trình “Lưu trữ” dùng cho học sinh ngành đào tạo cao đẳng lưu trữ do Nhà xuất bản Giao thông vận tải xuất bản tại Hà Nội năm 2009 có giải thích “Công tác lưu trữ là một lĩnh vực hoạt động quản lý nhà nước bao gồm tất cả những vấn đề lý luận, thực tiễn và pháp chế liên quan tới việc tổ chức khoa học tài liệu, bảo quản và tổ chức khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ phục vụ công tác quản lý, công tác nghiên cứu khoa học và các nhu cầu cá nhân hoặc tại Gíao trình “Lý luận và
thực tiễn công tác lưu trữ” do Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp xuất bản năm 1990 hiện đang được sử dụng để giảng dạy cho sinh viên đại học chuyên ngành lưu trữ có giải thích “Công tác lưu trữ là một ngành hoạt động của Nhà nước bao gồm tất cả những vấn đề lý luận, pháp chế và thực tiễn có liên quan đến việc bảo quản và tổ chức sử dụng tài liệu lưu trữ”. Như vậy có thể thấy, khái niệm “Công tác lưu trữ” về cơ bản được giải thích phù hợp với khái niệm “Hoạt động lưu trữ” như đã quy định tại Điều 2 của Luật Lưu trữ là “hoạt động thu thập, chỉnh lý, xác định giá trị, bảo quản, thống kê, sử dụng tài liệu lưu trữ”. Tuy nhiên, trong Luật Lưu trữ không dùng khái niệm “Công tác lưu trữ” hay nói cách khác là tác nghiệp lưu trữ ở các cơ quan, tổ chức “tức vùng công” mà dùng khái niệm “Hoạt động lưu trữ” cho phù hợp với đối tượng áp dụng Luật Lưu trữ được mở rộng gồm cả tác nghiệp lưu trữ ở cá nhân, gia đình, dòng họ có tài liệu lưu trữ (tức vùng tư).
Câu 4. Tài liệu và tài liệu lưu trữ có điểm gì giống và khác nhau?
Trả lời:
Theo giải thích tại Điều 2 Luật Lưu trữ thì “Tài liệu” và “Tài liệu lưu trữ” giống nhau ở chỗ đều là vật mang tin được hình thành trong quá trình hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đó là văn bản, dự án, bản vẽ thiết kế, bản đồ, công trình nghiên cứu, sổ sách, biểu thống kê; âm bản, dương bản phim, ảnh, vi phim; băng, đĩa ghi âm, ghi hình; tài liệu điện tử; bản thảo tác phẩm văn học, nghệ thuật; sổ công tác, nhật ký, hồi ký, bút tích, tài liệu viết tay; tranh vẽ hoặc in; ấn phẩm…
Tuy nhiên, “Tài liệu lưu trữ” khác với “Tài liệu” ở chỗ tài liệu lưu trữ là những tài liệu có giá trị để phục vụ hoạt động thực tiễn, nghiên cứu khoa học, lịch sử được lựa chọn để lưu trữ và phải là bản gốc, bản chính hoặc bản sao hợp pháp.
Câu 5. “Lưu trữ cơ quan” và “Lưu trữ hiện hành” có phải chỉ khác nhau về tên gọi và hiện nay nên sử dụng khái niệm nào cho thống nhất?
Trả lời:
Khái niệm “Lưu trữ hiện hành” được pháp luật hóa lần đầu tại Pháp lệnh lưu trữ quốc gia năm 2001, trong đó tại Điều 2 có giải thích “Lưu trữ hiện hành là bộ phận lưu trữ của cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thu thập, bảo quản và phục vụ sử dụng tài liệu lưu trữ từ các đơn vị thuộc cơ quan, tổ chức”.
Tại Luật Lưu trữ, không sử dụng khái niệm “Lưu trữ hiện hành” mà sử dụng khái niệm “Lưu trữ cơ quan” và tại Khoản 4 Điều 2 có giải thích “Lưu trữ cơ quan là tổ chức thực hiện hoạt động lưu trữ (tức hoạt động thu thập, chỉnh lý, xác định giá trị, bảo quản, thống kê, sử dụng tài liệu lưu trữ) đối với tài liệu lưu trữ của cơ quan, tổ chức.
Với giải thích trên đây cho thấy, xét về tính chất và nhiệm vụ thì “Lưu trữ hiện hành” và “Lưu trữ cơ quan” chỉ khác nhau về tên gọi.
Hiện nay nên sử dụng khái niệm “Lưu trữ cơ quan”. Sử dụng khái niệm “Lưu trữ cơ quan” vừa dễ hiểu và vừa phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành nếu trong trường hợp về cùng một vấn đề mà có quy định khác nhau thì thực hiện theo quy định tại văn bản có giá trị pháp lý cao hơn, nghĩa là theo quy định tại Luật Lưu trữ. Hơn nữa, kể từ khi Luật Lưu trữ được Quốc hội thông qua năm 2011 thì Pháp lệnh lưu trữ quốc gia năm 2001 cũng đã hết hiệu lực thi hành.
>>> Xem chi tiết dịch vụ lưu hồ sơ tại (http://luuhoso.com/)
Câu 6. “Lưu trữ lịch sử” và “Lưu trữ cố định” có điểm gì giống và khác nhau?
Trả lời:
“Lưu trữ lịch sử” và “Lưu trữ cố định” đều là khái niệm được sử dụng để chỉ tổ chức trực tiếp thực hiện hoạt động nghiệp vụ lưu trữ như thu thập, chỉnh lý, xác định giá trị; bảo quản, thống kê; phục vụ sử dụng tài liệu lưu trữ và đều là nơi bảo quản cố định tài liệu hay nói cách khác, tài liệu ở Lưu trữ lịch sử và Lưu trữ cố định về cơ bản không phải chuyển giao đến nơi khác để bảo quản.
Tuy nhiên, “Lưu trữ lịch sử” và “Lưu trữ cố định” có những điểm khác nhau, cụ thể là:
– Thẩm quyền quyết định thành lập Lưu trữ lịch sử là cơ quan có thẩm quyền của Đảng ho c Nhà nước ra quyết định thành lập, trong khi đó, Lưu trữ cố định do người đứng đầu cơ quan có tài liệu lập ra;
– Lưu trữ lịch sử về nguyên tắc chỉ tiếp nhận tài liệu có giá trị bảo quản vĩnh viễn từ các cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu của Lưu trữ lịch sử đã được cơ quan có thẩm quyền xác định; trong khi đó Lưu trữ cố định chỉ tiếp nhận hồ sơ của các đơn vị trong cơ quan, bao gồm cả hồ sơ có giá trị bảo quản vĩnh viễn và hồ sơ bảo quản có thời hạn;
– Hồ sơ, tài liệu bảo quản tại Lưu trữ lịch sử về cơ bản không bị hủy nhưng hồ sơ bảo quản tại Lưu trữ cố định có thể bị hủy bỏ nếu cơ quan xét thấy không cần thiết phải giữ lại để phục vụ cho hoạt động thực tiễn và nghiên cứu lịch sử của cơ quan.
Câu 7. Tại sao cấp huyện là cấp hành chính ở địa phương lại không được tổ chức Lưu trữ lịch sử để tập trung bảo quản tài liệu có giá trị lịch sử của huyện?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 19 Luật Lưu trữ thì Lưu trữ lịch sử chỉ được tổ chức ở trung ương và cấp tỉnh để lưu trữ tài liệu có giá trị bảo quản vĩnh viễn. Tuy cấp huyện là một cấp hành chính ở địa phương nhưng lại không được tổ chức Lưu trữ lịch sử để tập trung bảo quản tài liệu có giá trị lịch sử của huyện vì những lý do sau:
Một là, thực tế cho thấy, tài liệu có giá trị bảo quản vĩnh viễn ở cấp huyện không nhiều, chiếm khoảng trên 10% so với tổng số tài liệu được sản sinh ra trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức;
Hai là, hoạt động lưu trữ là một hoạt động không chỉ có tính nghiệp vụ chuyên môn sâu mà còn đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn về cơ sở vật chất và kinh phí. Do vậy, việc chuyển tài liệu có giá trị bảo quản vĩnh viễn từ cấp huyện lên cấp tỉnh bảo quản không chỉ hạn chế việc đầu tư dàn trải mà còn nhằm tập trung cao độ mọi nguồn lực (nhân lực, tài lực, vật lực) để thực hiện tốt các hoạt động lưu trữ, đặc biệt là để bảo vệ, bảo quản an toàn tài liệu lưu trữ có giá trị bảo quản vĩnh viễn của tỉnh;
Ba là, việc tập trung bảo quản toàn bộ tài liệu có giá trị bảo quản vĩnh viễn của tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác, sử dụng tài liệu tại địa phương.
Câu 8. Tiêu chuẩn thành lập “Phông lưu trữ” cơ quan? Trả lời:
Theo Khoản 6 Điều 2 Luật Lưu trữ giải thích: “Phông Lưu trữ là toàn bộ tài liệu lưu trữ được hình thành trong quá trình hoạt động của cơ quan, tổ chức hoặc của cá nhân”.
Phông lưu trữ cơ quan là khái niệm dùng để chỉ toàn bộ tài liệu lưu trữ được hình thành trong quá trình hoạt động của một cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân. Mặt khác, căn cứ Điều 84 Bộ Luật Dân sự được Quốc hội thông qua ngày 14 tháng 06 năm 2005, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Được thành lập hợp pháp;
– Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;
– Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó;
– Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Câu 9. Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam được thành lập khi nào và cơ quan nào được giao quản lý Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam?
Trả lời:
Phông Lưu trữ quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 168/HĐBT ngày 26/12/1981 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Tại Điều 2 Quyết định giải thích “Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam là khối toàn bộ tài liệu có ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học, xã hội, lịch sử… của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không kể thời gian, văn tự, chế độ xã hội, xuất xứ, nơi bảo quản, phương pháp và kỹ thuật làm ra. Đó là tài sản xã hội chủ nghĩa hết sức quan trọng và quý giá, mọi cơ quan Nhà nước, đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội và mọi công dân Việt Nam có nghĩa vụ và trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ chu đáo”.
Khái niệm “Phông Lưu trữ quốc gia Việt Nam” được tiếp tục giải thích tại Điều 2 Pháp lệnh lưu trữ quốc gia năm 2001 và tại Điều 2 Luật Lưu trữ năm 2011 gồm “toàn bộ tài liệu lưu trữ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không phụ thuộc vào thời gian hình thành, nơi bảo quản, chế độ chính trị – xã hội, kỹ thuật ghi tin và vật mang tin” và “Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam bao gồm Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam”.
Hiện nay, theo quy định tại Điều 3 Luật Lưu trữ thì “Nhà nước thống nhất quản lý tài liệu Phông Lưu trữ quốc gia Việt Nam”. Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước là cơ quan thuộc Bộ Nội vụ có chức năng giúp Nhà nước thống nhất quản lý tài liệu Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam. Công cụ được sử dụng để thực hiện thống nhất quản lý tài liệu Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam là chế độ báo cáo thống kê về lưu trữ hàng năm do Bộ Nội vụ ban hành.
Câu 10. Phông lưu trữ Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập khi nào và cơ quan nào được giao quản lý Phông lưu trữ Đảng cộng sản Việt Nam?
Trả lời:
Phông lưu trữ Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 20-QĐ/TW ngày 23/9/1987 của ban bí thư Trung ương Đảng (Khóa VI). Tại Điều 2 Quyết định quy định “Phông lưu trữ Đảng cộng sản Việt Nam là toàn bộ tài liệu lưu trữ của Đảng và Đoàn thanh niên có ý nghĩa chính trị, khoa học và thực tiễn, bao gồm bản chính (hoặc bản sao có giá trị như bản chính) các loại tài liệu sau đây: chính cương, cương lĩnh, điều lệ, tuyên ngôn, tờ trình, đề án, biên bản, kế hoạch, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kết luận, thông tư, thông báo, báo cáo, công văn trao đổi và điện các loại, báo, sách và tạp chí của Đảng, tài liệu của Trường Đảng, truyền đơn, lời kêu gọi, hiệu triệu, nhật ký, hồi ký về lịch sử Đảng- kể cả phim chụp, phim quay, ảnh, tranh, đĩa ghi âm, băng ghi hình và những tài liệu khác hình thành trong hoạt động của các cấp ủy, cơ quan, tổ chức Đảng và Đoàn các cấp; toàn bộ tài liệu về thân thế, sự nghiệp và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt ở các cấp ủy Đảng, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh”.
Hiện nay, theo Điều 1 Quy định số 210-QĐ-TW ngày 06/3/2009 của Ban Chấp hành Trung ương về Phông Lưu trữ Đảng cộng sản Việt Nam thì thành phần tài liệu Phông lưu trữ Đảng cộng sản Việt Nam được mở rộng, bao gồm cả tài liệu lưu trữ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Hội Nông dân Việt Nam; Hội Cựu chiến binh Việt Nam và của các nhân vật lịch sử, tiêu biểu của Đảng, đồng thời là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước, của các tổ chức chính trị-xã hội.
Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương là cơ quan có chức năng giúp Chánh Văn phòng Trung ương Đảng tham mưu cho Trung ương Đảng quản lý Phông lưu trữ Đảng cộng sản Việt Nam và tài liệu thuộc Phông lưu trữ Đảng cộng sản Việt Nam được bảo quản trong hệ thống Lưu trữ lịch sử của Đảng ở Trung ương và địa phương.
Câu 11. Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam được thành lập khi nào và cơ quan nào được giao quản lý Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam?
Trả lời:
Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam là khái niệm lần đầu tiên xuất hiện và được giải thích tại Điều 2 Pháp lệnh lưu trữ quốc gia năm 2001 gồm “toàn bộ tài liệu lưu trữ được hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, nhân vật lịch sử, tiêu biểu và tài liệu khác có giá trị về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội”
Khái niêm Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam tiếp tục được giải thích tại khoản 9 Điều 2 Luật Lưu trữ gồm “toàn bộ tài liệu lưu trữ được hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, nhân vật lịch sử, tiêu biểu và tài liệu khác được hình thành qua các thời kỳ lịch sử của đất nước”.
Hiện nay, Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước thuộc Bộ Nội vụ thống nhất quản lý và tài liệu thuộc Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam được bảo quản trong hệ thống Lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở Trung ương và ở cấp tỉnh.
Câu 12. Nguyên tắc quản lý lưu trữ là “tập trung, thống nhất” lưu trữ nên được hiểu như thế nào cho đúng?
Trả lời:
Nguyên tắc quản lý tập trung thống nhất lưu trữ được pháp luật hóa lần đầu tại Pháp lệnh bảo vệ tài liệu lưu trữ quốc gia do Hội đồng Nhà nước (nay là Uỷ ban thường vụ Quốc hội) thông qua ngày 31/12/1982 và tiếp tục được luật hóa tại Điều 3 Luật Lưu trữ. Nguyên tắc này được hiểu như sau:
Một là, tài liệu lưu trữ phải được Nhà nước quản lý tập trung. Tuy nhiên, quản lý tập trung tài liệu không có nghĩa là tài liệu phải đưa vào bảo quản tập trung trong hệ thống các kho lưu trữ của Đảng ho c Nhà nước mà quan trọng là cho dù tài liệu lưu trữ được bảo quản ở đâu cũng phải được Nhà nước thống nhất quản lý và và được thống kê theo chế độ báo cáo thống kê về lưu trữ định kỳ hằng năm.
Hai là, nghiệp vụ lưu trữ tài liệu phải được thực hiện thống nhất. Tất cả các công việc từ thu thập, chỉnh lý, xác định giá trị tài liệu; thống kê, bảo quản đến sử dụng tài liệu lưu trữ cho dù ở Lưu trữ cơ quan hay ở Lưu trữ lịch sử đều phải được thực hiện thống nhất về nghiệp vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định ho c hướng dẫn.
Câu 13. Nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác lưu trữ của những cơ quan, tổ chức nào và kinh phí đó được sử dụng chi cho những công việc gì?
Trả lời:
Tại Điều 39 Luật Lưu trữ quy định Nhà nước chỉ bảo đảm kinh phí cho công tác lưu trữ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội và kinh phí đó được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm và được sử dụng vào các công việc sau đây:
- Xây dựng, cải tạo kho lưu trữ;
- Mua sắm thiết bị, phương tiện bảo quản và phục vụ việc sử dụng tài liệu lưu trữ;
- Sưu tầm, mua tài liệu lưu trữ quý, hiếm; trữ;
- Chỉnh lý tài liệu;
- Thực hiện các biện pháp kỹ thuật bảo quản tài liệu lưu trữ;
- Tu bổ, lập bản sao bảo hiểm tài liệu lưu trữ;
- Công bố, giới thiệu, trưng bày, triển lãm tài liệu lưu trữ;
- Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ lưu
- Những hoạt động khác phục vụ hiện đại hóa công tác lưu trữ.
Câu 14. Cá nhân gia đình, dòng họ (sau đây gọi chung là cá nhân) nếu hiến tặng tài liệu có giá trị cho Nhà nước thì được hưởng quyền lợi gì ?
Trả lời:
Tài liệu do cá nhân được kế thừa, do sưu tầm được và do bản thân tạo ra trong quá trình sống và làm việc thì thuộc sở hữu riêng của cá nhân. Không chỉ chiếm hữu, hay nắm giữ mà cá nhân còn có quyền sử dụng và định đoạt tài liệu đó. Cá nhân có quyền hiến tặng tài liệu có giá trị cho Nhà nước và trong trường hợp này, cá nhân được quyền ưu tiên sử dụng tài liệu đã hiến tặng và được Nhà nước khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Câu 15. Khi tài liệu lưu trữ được trả giá ngang nhau thì cá nhân có bắt buộc phải bán cho Nhà nước hay không?
Trả lời:
Cá nhân có quyền bán tài liệu thuộc sở hữu riêng trên cơ sở thỏa thuận với bên mua. Khi tài liệu lưu trữ được trả giá ngang nhau thì cá nhân không bắt buộc phải bán tài liệu đó cho Nhà nước trừ trường hợp tài liệu có liên quan đến an ninh quốc gia.
Câu 16. Cá nhân muốn ký gửi tài liệu thuộc sở hữu riêng vào Lưu trữ lịch sử có được không?
Trả lời:
Cá nhân có thể liên hệ với Lưu trữ lịch sử để ký gửi tài liệu thuộc sở hữu riêng vào Lưu trữ lịch sử để bảo quản nhưng phải trả phí bảo quản theo quy định của pháp luật, trừ tài liệu đã được cá nhân hoặc người đại diện hợp pháp của cá nhân đăng ký với Lưu trữ lịch sử và được xác nhận thuộc thành phần Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam.
Câu 17. Nếu tổ chức, cá nhân vi phạm vào các hành vi bị nghiêm cấm ở Luật Lưu trữ thì sẽ bị xử lý như thế nào?
Trả lời:
Tại Điều 8 Luật Lưu trữ chứng từ có quy định các hành vi bị nghiêm cấm sau đây:
- Chiếm đoạt, làm hỏng, làm mất tài liệu lưu trữ;
- Làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung tài liệu lưu trữ;
- Mua bán, chuyển giao, hủy trái phép tài liệu lưu trữ;
- Sử dụng tài liệu lưu trữ vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
- Mang tài liệu lưu trữ ra nước ngoài trái phép.
Nếu tổ chức, cá nhân vi phạm vào một trong những hành vi bị nghiêm cấm trên đây thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý như sau:
Một là, bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Luật Cán bộ, Công chức năm 2008 và Luật Viên chức năm 2010, cụ thể:
– Đối với cán bộ, công chức có thể bị xử lý với các hình thức kỷ luật như: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc;
– Đối với viên chức có thể bị xử lý với các hình thức kỷ luật như: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc.
Hai là, bị xử phạt hành chính theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 với các hình thức xử phạt như: cảnh cáo; phạt tiền đến 30 triệu đồng; bị tước quyền sử dụng tài liệu, đình chỉ hoạt động lưu trữ có thời hạn hoặc bị trục xuất (nếu là người nước ngoài);
Ba là, phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Bộ Luật Dân sự;
Bốn là, bị truy tố trước pháp luật theo quy định tại Bộ Luật hình sự.
Đón xem tiếp phần 2 tại: http://luuhoso.com/hoi-dap-luat-luu-tru-phan-2.html